Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong giai đoạn dịch COVID-19 có khả năng lây lan trong cộng đồng thì người dân cần “cách biệt xã hội”.
Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 trên địa bàn thành phố mới đây, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tính đến nay, Hà Nội đã có 9 trường hợp lây nhiễm chéo. Con số này đồng nghĩa mới có 1,5 người bị lây nhiễm chéo/1 triệu người ở Thủ đô.
Mặc dù nguồn lây nhiễm ở cộng đồng đã và đang kiểm soát tốt, tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chung nhận định, trong 11 ngày tới (tức là từ nay đến trước ngày 5/4) là giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 ở Hà Nội.
Đây là giai đoạn những người có mầm bệnh, dù chưa có biểu hiện bệnh ở bên ngoài và vẫn bình thường nhưng có thể phát bệnh trong những ngày tới.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 có khả năng lây lan trong cộng đồng thì người dân cần “cách biệt xã hội”.
“Vì vậy, giai đoạn này phải tập trung công sức để phát hiện sớm và hạn chế lây nhiễm chéo. Nếu phát hiện sớm, khoanh vùng sớm và hạn chế được sự lây nhiễm chéo thì chúng ta chiến thắng. Tuy nhiên, nếu từ nay đến ngày 5/4 là không phát hiện kịp thời, để lây nhiễm trong cộng đồng thì số người lây nhiễm sẽ theo cấp số nhân” – ông Chung cảnh báo.
Từ những nhận định trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân ở trong nhà càng nhiều càng tốt, nếu không có việc cần thiết thì không đi ra ngoài. Khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, còn đi bộ phải giữ khoảng cách 2m với nhau.
Liên quan đến vấn đề này, tối 24/3, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, thời điểm này cho đến đầu tháng 4/2020 sẽ là giai đoạn dịch COVID-19 có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Chính bởi sự nguy hiểm của dịch bệnh nên người dân bắt đầu phải “cách biệt xã hội”.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đã đến lúc, người dân cần “cách biệt xã hội” để phòng chống COVID-19.
PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải, “cách biệt xã hội” là người dân tuyệt đối không đứng gần nhau khi giao tiếp, ít giao tiếp, khi hội họp hay xếp hàng phải cách nhau tối thiểu 2 mét. Đặc biệt là tránh giao tiếp gần, không bắt chân bắt tay, nếu không việc phải ra ngoài thì nên ở nhà. Bởi dịch COVID-19 là lây lan qua đường tiếp xúc và qua các giọt bắn”.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tại cuộc họp thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch đã bước sang giai đoạn mới, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sự đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị với các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa.
Để làm được điều đó thì từ cơ quan, tổ chức, nhóm dân cư đến gia đình và từng người dân đều thay đổi mạnh mẽ các thói quen, nếp sinh hoạt để thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch bệnh, như: Tăng cường giao dịch trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; khuyến cáo người dân ít ra những nơi công cộng, hạn chế tối đa việc tập trung đông trên 50 người tại các đám cưới, đám hiếu…
Một buổi họp trực tuyến tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 về công tác thu dung, điều trị 46 ca bệnh nhiễm COVID-19.
Đặc biệt, các cơ quan nhà nước tiếp tục dừng, hạn chế các cuộc họp không cần thiết, tăng cường họp trực tuyến, tích cực cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong xử lý công việc…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đúng đắn, kịp thời trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn lây lan ra cộng đồng nếu như người dân không tự ý thức chung tay cùng Chính phủ chống dịch.
Comments are closed.